Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Hồi ký "Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui", những bài học nóng hổi tính thời sự


[Image] Anh Mai Thúc Lân, nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng,
 nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, khóa X


          Say sưa đọc xong hơn 400 trang hồi ký của anh Mai Thúc Lân gửi tặng, trong tôi lại ùa về những ký ức một thời Hà Bắc, về những năm tháng cùng công tác với anh ở Ty Nông Nghiệp, rồi UBND tỉnh Hà Bắc, là thành viên UBND tỉnh khóa 1985-1989, anh là Chủ tịch.
        Chứng kiến một phần “ấm lạnh, buồn vui” trong cuộc đời anh, tôi cũng như nhiều người đương thời đều cảm phục một đảng viên mẫu mực, một cán bộ lãnh đạo tài năng, quyết đoán và có bản lĩnh, đồng thời cũng là người anh, người bạn giàu tình cảm.Anh sinh ra ở làng Nông sơn (nay thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quang Nam) nhưng 2 phần ba cuộc đời hoạt động của anh đã gắn bó với đất và người Kinh Bắc, anh coi Hà Bắc như quê hương thứ hai của mình; anh gắn bó cả cuộc đời mình với cô thôn nữ miền trung du Bắc Bộ như anh từng mong ước, chia sẻ ngọt bùi, “ấm lạnh, buồn vui”, bóng dáng của người thôn nữ Kinh Bắc đã góp phần quan trọng gây dựng nên sự nghiệp của anh, từ một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp trở thành Phó Trưởng ty, Trưởng ty Nông Nghiệp, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc.[Image]
       Anh gắn bó với nông nghiệp Bắc Giang, sau này là Hà Bắc ngay từ khi hòa bình vừa mới được lập lại trên miền Bắc được vài ba năm, dấu chân người cán bộ kỹ thuật đã lặn lội khắp các huyện, xã trong tỉnh, đóng góp công sức, trí tuệ vào thành công của các phong trào trong nông nghiệp như: làm thủy lợi và cải tạo đất, với điển hình nổi tiếng cả nước là Hợp tác xã Trung Hòa, công thức 4 L (lúa-lang-lạc-lợn), phát triển diện tích lúa xuân trở thành vụ sản xuất chính… Một sự kiện đọng lại trong tâm trí nhiều người cho đến tận hôm nay là năm 1986 anh đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo, quyết đoán phương án do cán bộ kỹ thuật đề suất, xử lý thành công “sự cố đê Nội Doi”, tránh được thảm cảnh lụt lội cho nhân dân các huyện bắc phần Bắc Ninh.
      Là một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, anh lặn lội trên đồng ruộng, gần gũi nông dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và từ thực tiễn anh đã chắt lọc, tổng kết, để từ đó đề suất ra những chủ trương, chính sách phù hợp, đem lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho người dân. Khi anh là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông-lâm nghiệp, thủy lợi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc đó đề ra một số chủ trương không có tính khả thi, nhiều ý kiến bàn luận nhưng không dám nói ra, như: đánh số trâu bò, đưa đất 5% của xã viên vào hợp tác xã quản lý… Anh đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình trong hội nghị Ban Thường vụ và hội nghị Tỉnh ủy, có khi trực tiếp tranh luận với Bí thư Tỉnh ủy (thời kỳ này còn có một số chủ trương cực đoan và không thành công như: Đường goòng Đồng Tiến-Bến Nhãn, Công trường phù sa Quế Võ, khai thác vàng sa khoáng Lục Ngạn). 
       Anh là người tích cực hưởng ứng chủ trương khoán sản phẩm cuối cùng trong nông nghiệp, mặc dù biết rằng người lãnh đạo cao nhất của tỉnh lúc đó không mặn mà với chủ trương này. Việc thể hiện quan điểm cá nhân trái với ý kiến của lãnh đạo cấp trên, nhất là người đứng đầu thường là việc không dễ dàng, nhưng như anh tâm sự, đó là tính cách người Quảng Nam và bản lĩnh của người đảng viên Cộng sản. Thời gian đã lùi xa, xâu chuỗi lại những sự kiện “ấm lạnh, buồn vui” trong cuộc đời anh, tôi  càng thêm cảm phục sự dũng cảm và lý giải rõ hơn về những khó khăn mà anh nếm trải trong ít năm sau đó. Anh Mai Thúc Lân là người cương trực, thẳng thắn đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị và ngoài xã hội. Khi là trưởng phòng trồng trọt và là ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Ty Nông nghiệp, được phân công viết báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cơ quan. Báo cáo đã phê phán gay gắt những hiện tượng tiêu cực, những khuyết điểm trong công tác Đảng ở một số chi bộ và của một bộ phận đảng viên. Báo cáo được tập thể Đảng ủy thông qua, nhưng sau khi đọc tại Đại hội, một số đảng viên là trưởng, phó phòng phản đối gay gắt, coi báo cáo như là ý kiến cá nhân, khi bầu cử BCH Đảng bộ anh vẫn trúng cử, nhưng bầu ban thường vụ, anh chỉ quá bán được 1 phiếu. Anh viết trong hồi ký: “Tôi rất băn khoăn không hiểu vì sao mình lại là tiêu điểm đả kích, chống đối của một số đảng viên là lãnh đạo cơ quan và trưởng phó phòng, trong khi mình đã làm việc hết mình.” Anh trao đổi băn khoăn đó với một số anh em thân thiết thì được giải thích: “Ông thật thà quá, gần đây có dư luận là ông sẽ được đề bạt Phó Chủ nhiệm (**) và có thể còn được giới thiệu vào danh sách Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trong Đại hội sắp tới, nên họ đánh trước đi là vừa”. 
       Đầu năm 1986, UBND tỉnh và cá nhân anh Mai Thúc Lân khi đó là Chủ tịch nhận được nhiều đơn tố cáo Giám đốc Công ty Ngoại thương huyện Lạng Giang tham ô, móc ngoặc và có hành động đồi trụy. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Thanh tra tỉnh tổ chức Đoàn thanh tra, nhưng khi nghe Đoàn báo cáo kết quả thanh tra thì nêu rất nhiều thành tích và ưu điểm của giám đốc công ty, không có khuyết điểm gì nghiêm trọng như các đơn tố cáo của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch và nhiều đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh cho rằng đây là một bản báo cáo không trung thực, có thể Đoàn thanh tra đã bị giám đốc công ty “mua” rồi, vì vậy quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành bao gồm cả đại diện Công an và Viện KSND tỉnh tham gia. Giám đốc Công ty Ngoại thương Lạng Giang, biết không thể “mua” được nữa nên đã bàn với anh trai công tác ở Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thuê người ném lựu đạn vào nhà Chủ tịch UBND tỉnh nhằm “cho nó biết tay” ! May mắn là không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng vụ án đã gây xôn xao dư luận trong tỉnh và cả nước. Tháng 7-1987 vụ án được xét xử công khai tại sân vận động Bắc Giang, có hàng vạn người tham dự, Giám đốc Công ty Ngoại thương Lạng Giang và anh trai là chủ mưu cùng 2  đồng phạm tội danh “khủng bố có tổ chức”, bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Qua đó càng cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh phức tạp, gay go, quyết liệt, đòi hỏi người lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là người đứng đầu phải thật sự sát sao, công tâm, kiên quyết và có bản lĩnh. 
        Tính cách thẳng thắn, bộc trực của người Quảng Nam, vẻ bề ngoài khô khan và cách diễn đạt gay gắt của anh khi nêu lên những khuyết điểm của một đơn vị hoặc cá nhân, làm người được nhận xét dễ phật lòng, khó tiếp thu, nhiều  khi anh cũng bị hiểu lầm, nhưng ẩn sau vẻ ngoài “gay gắt” ấy là tấm lòng nhân ái, độ lượng, khoan dung và sự hóm hỉnh đầy chất nhân văn. Anh đã từng băn khoăn trăn trở về những phận đời gian khó, chia sẻ bùi ngùi về những số phận không may mắn…Vì vậy mặc dù anh xa Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) đã hơn 20 năm nhưng trong trái tim những đảng viên, cán bộ và nhiều người dân biết anh vẫn nghĩ về anh với tình cảm sâu đậm, trân trọng, quý mến, khâm phục một cán bộ có năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh. Thiết nghĩ đó là “cái được” lớn, phần thưởng lớn và niềm hạnh phúc đối với một cuộc đời hết lòng vì nhân dân, vì chân lý, và vì một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn./.
                                                           Hồng Minh
-(*):Hồi ký của anh Mai Thúc Lân, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tinh Hà Bắc; nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng khóa VIII, khóa IX; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội.
(**):Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp tỉnh.


2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét