Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Năm Mão và những dấu ấn trong tiến trình cách mạng Việt Nam

      Tiến trình cách mạng Việt Nam gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Đồng hành cùng thời gian, tiến trình cách mạng đã để lại dấu ấn quan trọng trong những năm Mão.  
       ĐINH MÃO-1927: Gần một thập kỷ (1911-1919), kể từ ngày rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bôn ba đến các sào huyệt của chủ nghĩa tư bản, đế quốc như Anh, Pháp, Mỹ và các nước thuộc địa để tìm hiểu cuộc sống của những người lao khổ. Đặt chân lên nước Nga xô-viêt Người tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và nhận ra con đường giải phóng dân tộc là làm cách mạng vô sản. Người tham gia các cuộc vận động cách mạng ở nhiều quốc gia, châu lục, đồng thời đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc mình.Năm Đinh Mão-1927, Bộ tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản cuốn Đường cách mệnh, tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là cuốn sách gồm những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, trong những năm 1925-1927, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng và phương pháp cách mạng, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản năm 1925) và Đường cách mệnh là 2 tác phẩm lớn đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời là những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. 
        KỶ MÃO- 1939: Ngày 1-9-1939 cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ: Đây là cuộc chiến tranh do bọn phát xít Đức, Ý, Nhật gây ra với âm nưu chia lại thị trường thế giới và tiêu diệt nước Nga Xôviết. Cuộc chiến tranh (1939-1945) đã cuốn hút 72 nước,  1.700 triệu người vào vòng chiến, với 110 triệu quân tham chiến diễn ra trên lãnh thổ 42 quốc gia. Loài người đã phải gánh chịu một tai hoạ khủng khiếp, hơn 55 triệu người bị chết, tiêu huỷ khối lượng của cải vật chất khổng lồ, trị giá 316 tỷ đô la.  Chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương cũng mạnh tay đàn áp, khủng bố: Giải tán các đoàn thể quần chúng, đặt ra nhiều loại thuế mới, trưng thu, trung dụng các xí nghiệp tư nhân, bắt lính, bắt phu để phục vụ chiến tranh, đời sống nhân dân lao động cùng cực…Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6 họp trong các ngày 6,7,8 tháng 11 năm 1939 tại Hóc Môn (Sài Gòn) do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã phân tích tình hình thế giới, trong mước, khẳng định “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương, không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp…” và chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương. Đây là sự nhạy bén và sáng tạo lớn của Đảng ta, giải quyết đúng đắn mối quan hệgiai cấp-dân tộc trong điều kiện lịch sử cụ thể.
                  TÂN MÃO-1951:  Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II  là một sự kiện lịch sử trọng đại trong đời sống chính trị của dân tộc, lần đầu tiên tổ chức trên đất nước ta: Xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.  Đại hội chính thức khai mạc từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương. Đến dự Đại hội còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan).Đại hội đã thảo luận Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng và các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, Chính quyền dân chủ nhân dân, Quân đội nhân dân, kinh tế - tài chính và về văn hoá, văn nghệ…         
        Đại hội bầu BCH Trung ương mới gồm 19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết. BCH đã bầu Bộ Chính trị gồm 7 uỷ viên chính thức và 1 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được BCH Trung ương bầu là Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư. Đây là lần đầu tiên BCH Trung ương Đảng được bầu hợp thức trong một Đại hội có đầy đủ đại biểu toàn quốc.   
       Đại hội đề ra nhiệm vụ chiến lược là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam, đưa Đảng ra hoạt động công khai.  Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, quân và dân ta đã đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên khắp chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đã phá tan kế hoạch Na-Va của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc đối phương phải ngồi vào đàm phán tại Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Nửa nước được hoàn toàn giải phóng.
       QUÝ MÃO-1963: Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã thu được những thành tựu quan trọng, cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam tuy gian khổ, khốc liệt nhưng đã thu được những thắng lợi to lớn, kẻ địch bị đẩy vào “con đường hầm không lối thoát”, buộc đế quốc Mỹ phải “thay ngựa giữa dòng”, Mỹ làm cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, lật đổ sự thống trị độc tài của Ngô Đình Diệm, đưa Dương Văn Minh, một nhân vật đại biểu cho nhóm quân sự thân Mỹ, lên cầm đầu chính quyền bù nhìn ở miền Nam Việt Nam, chúng càng lún sâu vào những thất bại mới liên tiếp và sự khủng hoảng sâu sắc hơn trong nội bộ bè lũ tay sai. 
      ẤT MÃO-1975:Cuộc tiến công và nổi dậy màu xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giang sơn thu về một mối, kết thúc thắng lợi vẻ vang 30 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, khốc liệt, “đánh thắng hai đế quốc to”, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
       ĐINH MÃO-1987: Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nảy sinh từ cuối thập kỷ 70 (thế kỷ XX), kéo dài hơn 10 năm liền, lạm phát gay gắt (năm1986 lên tới 774,7%). Năm 1987, năm đầu tiên triển khai đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra (tháng 12-1986), tình hình tuy còn diễn biến phức tạp, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, ra sức khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế-xã hội, từng bước đưa Nghị quyết Đại hội VI vào cuộc sống. 
      KỶ MÃO-1999: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (lần 2), BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định mở cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 2 năm (19/5/1999-19/5/2001), xác định khâu đột phá và biện pháp có ý nghĩa then chốt là tiến hành tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở. Cuộc vận động đã nâng cao một bước nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết; nâng cao ý thức đề phòng và ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống, xử lý kịp thời một số vụ việc và cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần tích cực chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 1999-2004. 
          TÂN MÃO-2011: Đại hội lần thứ XI của Đảng diễn ra trong những ngày đầu Xuân Tân Mão là đại hội có ý nghĩa lịch sử trọng đại, xem xét, quyết định bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, làm nền tảng chính trị tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa nước ta lên chủ nghĩa xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới là ba thành tố quan trọng cũng là ba động lực cơ bản thúc đẩy tiến trình cách mạng hướng tới mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; và đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo hướng xã hội chủ nghĩa../.
                                                                                   HỒNG MINH------------------                                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét